Kỹ thuật Upselling

Upselling (bán thêm) là một trong những kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất trong bán hàng, thậm chí một số sản phẩm/ dịch vụ còn được bán lỗ nhằm “dọn đường” cho upsell để kiếm lợi nhuận.

Kỹ thuật Upselling: Tại sao khách hàng biết ơn dù vừa bị người bán “moi tiền”?

Upselling là gì?

Kỹ thuật Upselling: Tại sao khách hàng biết ơn dù vừa bị người bán “moi tiền”? - Ảnh 1.

Upselling hiểu ngắn gọn là kỹ thuật mà người bán “dụ dỗ” người mua lựa chọn những sản phẩm/ dịch vụ với giá cao hơn hoặc nhiều sản phẩm/ dịch vụ hơn dự tính.

Là một trong những kỹ thuật thường gặp nhất trong kinh doanh, upselling lợi dụng động lực mua sắm của khách hàng để chống lại họ, đẩy thượng đế đi xa hơn ngưỡng ngân sách mà họ đã định ra trong đầu.

Trong những trường hợp áp dụng thành công, upselling thường đem lại hơn 30% lợi nhuận mà không hề gây cảm giác khó chịu cho khách hàng.

Một yếu tố “thần kỳ” nữa là chi phí upsell những khách hàng hiện tại chỉ bằng 10% đến 20% so với chi phí thu hút khách hàng mới, biến đây trở thành một trong những kỹ thuật “moi túi” khách hàng ưa thích nhất của giới kinh doanh.

Và sau đây sẽ là cách mà mọi người đang “bị upsell” hằng ngày.

“Anh/ chị có muốn thêm khoai tây chiên không?”

Nếu đã từng bước chân vào McDonald’s hay những chuỗi thức ăn nhanh tương tự, ngay sau khi khách hàng gọi món, nhân viên thường ngay lập tức hỏi thêm “Anh/ chị có muốn thêm khoai tây chiên không?”.

Cũng như khoai tây chiên “gắn liền” với đồ ăn nhanh, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất của upselling đó là phải gắn liền với lựa chọn đầu tiên của khách hàng.

Và nhân viên McDonald’s còn đưa kỹ thuật upselling của họ lên một tầm cao mới bằng cách “gợi ý” tăng kích thước phần khoai tây chiên đã mua và đồng thời hỏi khách hàng nếu họ muốn dùng thêm nước không. Chỉ tính riêng năm 2014, những câu nói quá đơn giản kia đã đem về cho tập đoàn McDonald’s hơn 28 triệu USD doanh thu.

“Gắn liền” là yếu tố tiên quyết để thực hiện Upsell thành công, khách hàng không chỉ sẵn lòng trả thêm tiền mà còn cảm thấy rằng mình đang được chăm sóc tận tình nếu như người bán thực hiện upsell một cách “tinh tế”.

Khiến khách hàng tự muốn trả thêm tiền

Kỹ thuật Upselling: Tại sao khách hàng biết ơn dù vừa bị người bán “moi tiền”? - Ảnh 3.

Một trong những công ty “dụ dỗ” khách hàng phải tự chi thêm tiền thành công nhất là Salesforce. Với phần mềm quản trị doanh nghiệp nổi tiếng của mình, Salesforce luôn là một sự lựa chọn hàng đầu cho các tập đoàn đa quốc gia, nhưng sau khi mua bản quyền hệ thống này, những khách hàng sử dụng trong một thời gian dài sẽ vướng phải một “chướng ngại” đó là: Giới hạn lưu trữ.

“Giới hạn” là một trong những kỹ thuật upsell rất thông minh, thường được áp dụng bởi các công ty công nghệ, đặc biệt là phần mềm quản lý hoặc hãng sản xuất trò chơi điện tử. Việc sử dụng sản phẩm có thể hoàn toàn miễn phí, hoặc với một mức giá rất tương xứng với giá tiền, nhưng nếu người dùng muốn sử dụng một cách “chuyên sâu” hơn, thì họ buộc phải chi thêm để gỡ bỏ các giới hạn đó.

Bằng cách này, người bán hoàn toàn không tạo cảm giác “ép” khách hàng phải trả thêm tiền, khách hàng là người tự nhận ra nhu cầu của mình và vui vẻ “móc túi” vì những giá trị mà họ sẽ nhận được.

Upsell với mức “giá hời”

Kỹ thuật Upselling: Tại sao khách hàng biết ơn dù vừa bị người bán “moi tiền”? - Ảnh 4.

Dù không định nghĩa được chính xác, nhưng khách hàng sẽ rất nhanh chóng nhận ra rằng mình đang bị “upsell”, và câu hỏi đầu tiên mà họ đặt ra sẽ là: Mình sẽ tốn thêm nhiêu tiền?

Vì thế, người bán luôn cố tình tạo cảm giác “giá hời” cho những gói upsell của họ. Với nguyên tắc định giá như sau: Mức giá upsell nên ít hơn 50% số tiền mà khách hàng định bỏ ra. Chẳng hạn như các mẫu Macbook ở trên, khách hàng sẽ ngay lập tức suy ngẫm: “Dù sao thì mình cũng bỏ ra gần 1.300 USD để mua Macbook rồi, tại sao không ráng thêm vài trăm USD để được máy tốt hơn?”

Một số người bán thậm chí “chia đều” giá trị sản phẩm đã được upsell bằng cách cho phép trả góp, chẳng hạn như “Chỉ từ 29 USD/ bet365 bóng đá_ đăng ký bet365_bet365 không thể mở”, hoặc “Trả góp không lãi suất” … khiến khách hàng đứng trước những lời chào mời hấp dẫn này nhanh chóng chấp nhận đầu tư một sản phẩm/ dịch vụ mắc tiền hơn dự tính.

Đừng chỉ bán sản phẩm, hãy bán cả giải pháp

Kỹ thuật Upselling: Tại sao khách hàng biết ơn dù vừa bị người bán “moi tiền”? - Ảnh 5.

Một điều khá thú vị đằng sau mỗi quyết định mua sắm là cho dù sản phẩm/ dịch vụ đó ngay lập tức giải quyết được vấn đề mà người mua mong muốn, đằng sau đó luôn là những vấn đề mới được sinh ra.

– Bạn mua một bánh hamburger? Cảm giác thèm giòn sẽ dần phát sinh từ không gian xung quanh. Bạn sẽ thèm khoai tây chiên.

– Bạn mua một con dao? Qua thời gian nó sẽ bị cùn. Bạn sẽ cần thêm 1 cái mài dao.

– Bạn mua một phần mềm quản lý? Yêu cầu của sếp sẽ ngày càng cao. Bạn sẽ muốn mua thêm các tài liệu và khóa học để làm chủ phần mềm này.

– Bạn mua một chiếc kính đắt tiền? Thật ngu ngốc nếu không bảo quản nó thật tốt. Và bạn sẽ mua thêm một miếng vải lau kính chuyên dụng.

Đối với người bán, họ chắc chắn lường trước được những vấn đề mà các sản phẩm/ dịch vụ của mình có thể tạo ra và cung cấp các giải pháp upsell mà khách hàng không hề nghĩ đến trước quyết định mua.

Và nếu như sản phẩm đó không sinh ra bất kỳ vấn đề cần giải quyết nào, các người bán cũng sẽ đưa ra các “giải pháp” để tăng giá trị tổng đơn hàng như:

“Thường được mua kèm với”

“Sản phẩm liên quan”

“Dịch vụ giao hàng nhanh, gói quà”

Kết luận

Kỹ thuật Upselling: Tại sao khách hàng biết ơn dù vừa bị người bán “moi tiền”? - Ảnh 6.

Upsell không chỉ giúp người bán gia tăng lợi nhuận mà còn tăng mức độ trung thành của khách hàng.

Khách hàng mua càng nhiều sẽ càng gắn bó với thương hiệu. Upselling luôn được những chuyên gia bán hàng ưu tiên sử dụng nhằm giữ được khách hàng giữa sự cạnh tranh khóc liệt ngày nay, đồng thời gia tăng lợi nhuận cho công ty nhưng lại ít “làm phiền” các thượng đế nhất.

Hiệu ứng CHIM MỒI

Trong quá trình mua sắm hàng ngày, có một thủ thuật “móc túi” khách hàng đầy tinh tế nhưng cũng cực kỳ hiệu quả khi ai cũng vui vẻ nghĩ rằng mình đã có lựa chọn đúng đắn.

Hiệu ứng chim mồi: Tâm lý “Ngu sao không mua” hay là Cái bẫy tiêu tiền nguy hiểm nhất thế kỷ

Hiệu ứng chim mồi là gì?

Có thể tóm gọn hiệu ứng bán hàng “tinh tế” này trong một câu:

Khi đối mặt với sự lựa chọn thứ ba (một “chim mồi”), khách hàng thường vui vẻ lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ có giá cao hơn mà không hề hay biết rằng mình vừa bị “móc túi”.

Nghe có vẻ hoang đường nhưng trên thực tế là vậy. Khi chỉ đối mặt với 2 sự lựa chọn, khách hàng thường tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định giữa sản phẩm/ dịch vụ tốt hơn với giá cao và sản phẩm/ dịch vụ kém hơn nhưng có thể tiết kiệm được tiền.

Đứng trước tình huống nan giải trên, khách hàng thường “nhát tay” và tự thuyết phục mình chọn sản phẩm rẻ hơn, với hy vọng rằng số tiền tiết kiệm sẽ được sử dụng mới mục đích tốt hơn trong tương lai.

Một quyết định khá sáng suốt về mặt tài chính cá nhân nhưng đồng thời là một kết quả không người bán hàng nào mong muốn.

Hiệu ứng chim mồi: Tâm lý “Ngu sao không mua” hay là Cái bẫy tiêu tiền nguy hiểm nhất thế kỷ - Ảnh 1.

Đó chính là lý do “chim mồi” ra đời. Thay vì chỉ có hai sự lựa chọn, sự xuất hiện của một chim mồi sẽ đảo lộn quyết định của khách hàng theo hướng có lợi hơn cho người bán.

Với mục đích nhằm nâng cao giá trị sản phẩm có giá cao trong mắt người tiêu dùng, các chim mồi tưởng chừng như bổ sung thêm sự lựa chọn cho khách hàng lại đẩy các “thượng đế” đến quyết định chi nhiều tiền hơn cần thiết.

Tâm lý học đằng sau hiệu ứng chim mồi

Hiệu ứng chim mồi: Tâm lý “Ngu sao không mua” hay là Cái bẫy tiêu tiền nguy hiểm nhất thế kỷ - Ảnh 2.

Hiệu ứng chim mồi là một trong những chiến thuật bán hàng dựa trên “định kiến nhận thức” của con người. Tuy là loài thống trị Trái đất nhưng con người thường xuyên đưa ra các quyết định và nhận định hoàn toàn sai lầm, nhất là khi có sự ảnh hưởng bởi:

1) Thông tin bên ngoài; và

2) Bản chất “phi lý trí” của tư duy.

Định kiến nhận thức là một phần không thể tránh khỏi trong tư duy của mỗi người, vì thế, các quyết định dựa trên định kiến đã trở thành một phần đời sống và thường bị rất nhiều đối tượng bán hàng “lợi dụng”.

Hiệu ứng chim mồi còn có tên gọi khác là Ưu thế bất cân xứng.

Sự lựa chọn thứ ba sẽ có giá trị cao hơn sản phẩm/ dịch vụ có giá rẻ (Ưu thế), nhưng lại có giá thành quá gần hoặc cao hơn hẳn sản phẩm/ dịch vụ có giá thành cao (Bất cân xứng).

Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, nếu có sự xuất hiện của Ưu thế bất cân xứng trong tổ hợp nhiều sản phẩm, các sản phẩm có chất lượng và giá thành cao hơn sẽ được chọn.

Hiệu ứng chim mồi: Tâm lý “Ngu sao không mua” hay là Cái bẫy tiêu tiền nguy hiểm nhất thế kỷ - Ảnh 3.

Một nghiên cứu tại Đại học Duke cho thấy Hiệu ứng chim mồi không chỉ ảnh hưởng tới quyết định mua sắm mà còn là đời sống hàng ngày của con người, chẳng hạn như quyết định chọn nhà hàng nào để ăn tối.

Nghiên cứu này đưa ra hai sự lựa chọn cho đối tượng khảo sát, một là nhà hàng 5 sao ở khá xa, hai là nhà hàng 3 sao ở ngay trong khu vực. Ngay lập tức câu hỏi trên khiến mọi người phân vân giữa chất lượng và tiện nghi, khiến họ rất khó để đưa ra được câu trả lời.

Nhưng đó là trước khi “chim mồi” được tung vào, nếu một nhà hàng 4 sao còn nằm xa hơn cả nhà hàng 5 sao xuất hiện. Ngay lập tức, chim mồi phát huy hiệu quả của mình khi các đối lượng khảo sát nhanh chóng lựa chọn nhà hàng 5 sao ở xa, mặc dù tính chất của nhà hàng này không hề thay đổi so với trước khi có sự xuất hiện của “chim mồi”.

Tiến xa thêm nữa, nếu chim mồi là một nhà hàng 2 sao nằm giữa nhà hàng 3 sao và 5 sao. Ngay lập tức nhà hàng 3 sao được chọn bởi vì tính tiện lợi và chất lượng cao hơn nhà hàng 2 sao, mặc dù nhà hàng 5 sao vẫn tồn tại như trước.

Ứng dụng hiệu ứng chim mồi

Hiệu ứng chim mồi: Tâm lý “Ngu sao không mua” hay là Cái bẫy tiêu tiền nguy hiểm nhất thế kỷ - Ảnh 4.

Một ứng dụng chim mồi “kinh điển” được Đại học MIT phát hiện là từ các lựa chọn đăng ký của tạp chí kinh tế danh tiếng Economist:

– Gói A: Đọc báo online – 59 USD/ năm

– Gói B: Nhận báo giấy –125 USD/ năm

– Gói C: Vừa đọc báo online, vừa nhận báo giấy –125 USD/ năm

Trích lời giáo sư tâm lý Dan Ariely: “Tôi đọc lần lượt các sự lựa chọn của mình. Gói A có vẻ khá ổn so với chất lượng mà tờ Economist đem lại. Gói B thì có vẻ hơi mắc, nhưng vẫn không đến nỗi nào đối với những người yêu thích báo giấy. Nhưng tôi lại khá bất ngờ với Gói C, ngay lập tức tôi so sánh giá trị giữa 3 gói và Gói C trở nên vượt trội.”

“Chắc chắn gói B là chim mồi vì không ai “điên” đến mức bỏ ra cùng số tiền để nhận được ít hơn giá trị mà mình có thể có.”

Dan Ariely ngay lập tức tập hợp 100 sinh viên MIT nhưng chỉ đưa cho họ 2 sự lựa chọn:

– Gói A: Đọc báo online – 59 USD/ năm

– Gói C: Vừa đọc báo online, vừa nhận báo giấy –125 USD/ năm

Kết quả là 68 sinh viên chọn Gói A và chỉ 32 người chọn Gói C, khiến việc mất đi “chim mồi” ngay lập tức đem lại kết quả mà tờ Economist không mong muốn. Với cùng số lượng nội dung, Gói A trở nên cực kỳ hiệu quả về tài chính.

Hiệu ứng chim mồi: Tâm lý “Ngu sao không mua” hay là Cái bẫy tiêu tiền nguy hiểm nhất thế kỷ - Ảnh 5.

Ngoài ra thì Apple cũng được các chuyên gia đánh giá là một “bậc thầy” sử dụng hiệu ứng chim mồi. Ví dụ như ở hình trên, cùng một phiên bản MacBook Pro 13-inch, người dùng sẽ đứng trước 3 sự lựa chọn khác nhau.

– Bên trái là mẫu cơ bản nhất với giá 1.499 USD.

– Ở giữa là mẫu có một thêm một vài tính năng cũng như bộ xử lý nhanh hơn, với giá 1.799 USD (hơn 300 USD so với mẫu cơ bản).

– Và bên phải cùng là mẫu có đầy đủ chức năng với ổ cứng gấp đôi so với mẫu thứ hai với giá 1.999 USD (chỉ hơn 200 USD so với sự lựa chọn trung bình).

Mẫu Macbook ở giữa với vai trò chim mồi vừa xóa mờ khoảng cách về giá giữa 2 mẫu rẻ nhất và đắt nhất, vừa thúc đẩy tâm lý “ngu sao không mua” của khách hàng, hướng họ đến mẫu máy có giá cao nhất.

Với cương vị là một khách hàng chuẩn bị “lên đời” MacBook, rất khó ai có thể cưỡng lại mong muốn “tới bến” với chỉ 200 USD.

Và theo một nghiên cứu gần đây, các mẫu iPhone với dung lượng lớn luôn là sản phẩm “cháy hàng” trước tiên, một minh chứng quá rõ về khả năng “chim mồi” thuần thục của Apple.

Kết luận

Hiệu ứng chim mồi là một thủ thuật bán hàng vừa tinh tế nhưng cũng không kém phần hiệu quả. Một khi bạn hiểu được nguyên tắc của hiệu ứng này, bạn sẽ thấy nó xuất hiện khắp mọi ngóc ngách trong đời sống hàng ngày.

Hiệu ứng chim mồi đã và đang thay đổi hành vi đi chợ, chọn quán ăn, hay thậm chí là mua nhà của mỗi người. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu bạn có đủ kiến thức để nhận ra và thoát khỏi vòng xoáy chim mồi?

Chiến thuật “neo” giá

Steve Jobs từng làm “cháy hàng” iPad chỉ với một phát biểu: “Apple nên bán iPad với giá bao nhiêu? 10.000 USD? 100.000 USD? Nhưng không, những chiếc iPad này sẽ là của bạn với mức giá chỉ từ 499 USD!”

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu!

Mỏ neo trong tiềm thức

Các chuyên gia bán hàng thường có một nguyên tắc “gối đầu giường” như sau:

“Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu.”

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 1.

Câu nói trên là một ví dụ kinh điển về chiến thuật “neo” giá, dựa trên xu hướng liên tục so sánh với thông tin đầu tiên (mỏ neo) trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào trong tiềm thức người dùng.

Thường được áp dụng trong chiến lược định giá sản phẩm hay dịch vụ, một mức giá “mỏ neo” cao chót vót sẽ được đưa ra để làm ảnh hưởng tới quyết định chi tiền sau đó của khách hàng.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, một khi mỏ neo được thả, bộ não con người sẽ liên tục so sánh các giá trị tiếp theo với mức giá ban đầu, đem lại nhiều quyết định không hợp lý.

Ngược lại với Nguyên tắc “chim mồi”, khi một mức giá “ngu ngốc” được đưa vào để khách hàng lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ có giá cao hơn. Chiến thuật “neo” giá thường được áp dụng cho các sản phẩm với giá thành cao như đồng hồ, rượu vang hay đồ điện tử, các mỏ neo sẽ khiến khách hàng sẵn lòng chọn các sản phẩm giá thấp hơn (nhưng chưa chắc là rẻ).

Mỏ neo được thả như thế nào?

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 2.

Nguyên tắc 1: Nâng cao tiêu chuẩn.

Khi khách hàng yêu cầu cung cấp một mức giá ước tính, trong nhiều trường hợp, người bán sẽ đưa ra một mức “trên trời” với 2 mục đích: Một là thử xem mức độ chịu chi của khách hàng, và hai là dọn đường tâm lý để các mức giá tiếp theo trở nên hấp dẫn hơn.

William Poundstone, tác giả sách “Vô giá: Thực hư về giá trị công bằng” đã viết:

“Con người thường phản ứng với giá cả một cách mù quáng. Khác với những giả thuyết kinh tế thường gặp, khách hàng thực tế thường không xem trọng việc so sánh giữa giá cả và giá trị của hai sản phẩm A và B mà họ liên tục phỏng đoán giá trị của từng sản phẩm dựa trên tri thức của bản thân rồi đưa ra quyết định rằng sản phẩm này có “xứng đáng” với số tiền họ sắp bỏ ra hay không.”

William đã chứng minh nhận định của mình bằng một cuộc khảo sát rất thú vị. Một nhóm chuyên gia bất động sản và sinh viên được chọn ngẫu nhiên để định giá một căn nhà cụ thể. Họ được cung cấp tất cả thông tin và hình ảnh về căn nhà, nhưng lại được chia ra làm nhiều nhóm nhỏ với các mức giá “mong muốn bán” khác nhau.

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 3.

Có thể thấy, cùng là một căn nhà, nhưng mức giá muốn bán (mỏ neo) đã làm “lung lay” nhận định của cả những chuyên gia hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Chứng tỏ sức ảnh hưởng “khủng khiếp” của chiến thuật neo giá.

Nguyên tắc 2: Càng lẻ sẽ càng tốt.

Để thuyết phục khách hàng từ một mức giá ước chừng sang một báo giá cụ thể, người bán thường đưa ra những con số “càng lẻ càng tốt”. Nghe có vẻ không khoa học, nhưng nếu bảng giá mà người bán đưa ra là một con số quá chẵn, khách hàng sẽ thầm đánh giá rằng đây là một mức giá không thực sự chuyên nghiệp, hoặc thậm chí cho rằng người bán đang cố tình làm tròn để “ăn thêm”.

Carmen Nobel, tác giả của bài báo “Khi thương lượng giá cả, đừng bao giờ đưa ra một con số chẵn” cho hay:

“Một nghiên cứu về các thương vụ Mua bán và sáp nhập bởi hai chuyên gia Petri Hukkanen và Matti Keloharju cho thấy những nhà đầu tư đưa ra giá “lẻ đến từng xu” thường đạt được nhiều thỏa thuận hơn so với các đồng nghiệp đưa ra con số chẵn tròn.

Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định một nguyên tắc tâm lý cho rằng bộ não con người có xu hướng đề cao mức độ tin tưởng cho những con số lẻ hơn là chẵn. Con người thường xuyên phỏng đoán rằng một chuyên gia nào đó đã dày công nghiên cứu và “vắt óc” để đưa ra con số lẻ kia. Ở khía cạnh còn lại, số quá chẵn đồng nghĩa với việc người ra giá đang “chém gió”, chỉ dựa trên hiểu biết mơ hồ của mình để đưa ra một mức giá chung.”

Ví dụ đối với một dự án nội thất với ước tính chi phí khoảng 200 triệu VNĐ đến 300 triệu VNĐ, các nhà thầu nhiều kinh nghiệm sẽ “phủ đầu” khách hàng bằng cách đưa ra một mức giá an toàn là 350 triệu VNĐ, con số này nhằm tạo ra một “mỏ neo” trong tâm lý khách hàng.

Nhưng nếu sau đó, nhà thầu tính toán và đưa ra một con số chính xác nhưng lại quá chẵn, chẳng hạn như 250.000.000 VNĐ, khách hàng sẽ ngay lập tức thắc mắc về tính chuyên nghiệp của đối tác.

“Sao mà một dự án phức tạp lại có giá chẵn tròn như thế?”

Vì thế, thay vì đưa ra mức giá 250.000.000 VNĐ, các nhà thầu thường đưa ra các con số lẻ như 251.860.500 VNĐ.

Trong tiềm thức của khách hàng, con số chẵn 250 triệu chỉ là đoán mò và làm tròn, mức giá lẻ đến từng xu kia cho thấy nhà thầu đã thật sự nghiên cứu kỹ và biết chính xác họ cần làm gì.

Và nếu khách hàng không đồng ý chi 251.860.500 VNĐ, chắc chắn họ cũng sẽ không đồng ý với mức giá 250.000.000 VNĐ.

Những “mỏ neo” thường gặp trong cuộc sống

Các chuyên gia bán hàng đã tìm ra và áp dụng những thủ thuật đánh lừa tiềm thức người dùng trước khi các nhà tâm lý học chứng minh được sự tồn tại của nó. Bộ phận đưa ra quyết định mua sắm trong não người rất tiếc lại được kết nối trực tiếp với bộ phận kiểm soát cảm xúc, và những người bán hàng đã lợi dụng điều này để đưa hàng loạt các “mỏ neo” vào quyết định mua sắm hàng ngày.

Thường gặp trên nhiều trang web thương mại điện tử hoặc trong siêu thị, sản phẩm luôn có một mức giá “trước khi giảm” được gạch đi để tạo một cảm giác “hời” trong tâm trí người dùng. Mỏ neo còn được nhấn mạnh hơn khi “% lời” được làm đậm và tô đỏ, nhằm tăng mức độ hấp dẫn của từng món hàng.

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 4.

Tại một số nhà hàng, các món ăn giá cao thường được để ở trên cùng nhằm thúc đẩy doanh số các món “giá tốt” ở dưới.

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 5.

Hoặc ở một số dịch vụ trực tuyến, gói đắt nhất thường được để đầu tiên nhằm tạo ra một ấn tượng tốt hơn cho các gói tiếp theo.

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 6.

Và Apple cũng là một bậc thầy bán hàng khi sử dụng thuần thục chiến lược mỏ neo này. Khi chiếc iPad đầu tiên được giới thiệu, Steve Jobs đã phát biểu như sau: “Chúng tôi nên bán với mức giá nào? Theo các chuyên gia, chúng tôi nên bán những chiến iPad này trong khoảng 1000 USD, có nghĩa là 999 USD. Nhưng tôi rất vui khi thông báo với mọi người rằng, những chiếc iPad sẽ không có giá 999 USD, mà chỉ từ 499 USD.”

Chiến thuật “neo” giá: Làm thế nào để bán được chiếc đồng hồ 5 triệu? Hãy đặt nó kế chiếc đồng hồ 10 triệu! - Ảnh 7.

Steve Jobs còn nói: “Apple nên bán iPad với giá bao nhiêu? 10.000 USD? 100.000 USD? Nhưng không, những chiếc iPad sẽ là của bạn với mức giá chỉ từ 499 USD.”

Bằng cách liên tục đưa ra các “mỏ neo” 1.000 USD, 10.000 USD, 100.000 USD và sử dụng cả màn hình trình chiếu chỉ để ghi “999 USD” trước khi công bố mức giá thực tế của iPad, Steve Jobs đã thiết lập được giá trị của sản phẩm chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Ngay cả mẫu iPad giá cao nhất cũng có vẻ rẻ hơn so với mức giá “đáng lẽ” 999 USD.

Thủ thuật “neo” giá đã và đang kích thích cảm xúc của khách hàng khi đưa ra các quyết định mua sắm. Hy vọng mọi người sẽ có những quyết định sáng suốt hơn trong tương lai qua những kiến thức từ bài viết này.

Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ

NẾU HỮU ÍCH HÃY JOIN VỚI CHÚNG TÔI VÀ GIỚI THIỆU CHO BẠN BÈ NHÉ!
►Facebook Group : https://www.facebook.com/groups/digimarkVN
►Fanpage  : https://www.facebook.com/congdongdigimark/
►Website : http://digimarkvn.com
►Youtube : https://www.youtube.com/c/digimarkvnChannel
►Diễn đàn: http://forum.digimarkvn.com/

Share.

About Author

Chia sẻ, chia sẻ và sẻ chia :) Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại.. ( Nhiều hay ít thì CHƯA BIẾT :D)